Monday, December 16, 2013

Hy vọng có một ngày...


 Tây Trường Sơn mùa mưa bão 2013

Trong dãy Trường Sơn nơi tôi ở, có một làng sống như xa lạ với thế giới văn minh hôm nay. Có một làng, dân vẫn hồn nhiên, cởi mở, không than nghèo khổ dù thiếu đất canh tác. Có một làng mà cưới hỏi vẫn theo sự sắp đặt của gia đình. Người con như gắn liền với tài sản hiếm hoi của gia đình, nên cưới hỏi cũng là dịp thương lượng, trao đổi những mong có cuộc sống vật chất khá hơn.
Có một em gái đang học lớp 8, bỗng phải nghỉ ngang để lập gia đình. Và để “hợp thức hóa” với đạo cũng như đời, giấy tờ đều ghi 17 tuổi. Ở một nơi mà đa số dân làng mù chữ, khái niệm về thời gian là điều xa lạ, mù mờ - không người già nào biết rõ mình bao nhiêu tuổi – nơi mà cái quốc, cái rìu mới là lẽ sống của gia đình, thì chuyện giấy tờ, khai sinh … cần lúc nào thì làm lúc đó, cần bao nhiêu tuổi thì ghi bấy nhiêu (!) Ở một nơi mà khi hỏi:
-          Sao học lực yếu vậy (điểm TB = 4 – 4,5) ?
-          Ơ! có nhiều đứa điểm … kém !
Chuyện học như vậy thì lưu ban, lớn tuổi học lớp 7, 8 là thường. Nhưng hỏi ra mới biết em gái kia mới … 14 tuổi, thích học nhưng bị ép lấy chồng ! Sự việc không thành, em vẫn phải nghỉ học đi chăn bò!
Nơi tôi có một làng, khi đi học, làm giấy tờ, ai ghi tên sao cũng được. Nên chuyện tên gọi khác với tên trên giấy tờ là thường tình. Dân làng không có “văn minh chữ viết”. Gọi đúng tên là được, còn họ[1] ghi tên sao để đi học, làm thủ tục là được! Dân làng không quen – hay sợ - ý kiến, xin điều chỉnh. Mà họ có xin ai bao giờ! Chưa có người Jrai nào đi xin ăn trong làng hay nơi đông người . Khi tên trên giấy tùy thân và học bạ, hay thẻ bảo hiểm, giấy báo thi không giống nhau, bịnh viện, nhà trường không chấp nhận , thì họ cũng … vui vẻ về. Đi học mà nhức đầu bỏ thi và không cho thi lại, bị chê là ngu, phải ở lại lớp - nhất là khi lớn tuổi một chút – thì tự động nghỉ. Ai giải thích gì cũng không thay đổi quyết định đó. Họ cũng có niềm tự hào dân tộc! Số phận cuộc đời mong manh làm sao ! Mong manh mà bình lặng như nước mặt hồ rất nhiều ở vùng này.
Tôi hy vọng có một ngày họ sẽ tiếp cận với thế giới muôn màu hôm nay, hy vọng có một ngày họ dám lên tiếng cho quyền lợi của chính mình. Có những cô gái nghỉ học sớm được gởi về những công ty, xí nghiệp nơi đô thị. Tôi đã thấy sự thay đổi nơi những em đó về cách sống, cách nói chuyện. Niềm hy vọng đang vươn lên thì… chợt tắt ! Chợt tắt vì một ngày nọ, cô gái bị người quen biết nơi làm việc lừa. Họ rủ đi làm kiếm tiền nhiều hơn, và đã đưa em vào nhà “massage”…. Nhiều tháng sau, người nhà được tin, từ trong làng vội vàng tiếp cứu. Làm sao đến nơi đô thị tìm con, khi mà cả đời chưa rời khỏi làng ? Bao nhiêu tiền đứa con gởi về, tài sản ít ỏi thu gom hết để nhờ người chuộc con về. Và đứa con cũng về được làng : không một lời ta thán, buồn phiền, thưa kiện ! Đối diện với cuộc sống khắt khe trong làng, cha đã chết, mẹ đau yếu triền miền, không ai làm rẫy gánh việc nhà, nên sau một thời gian, dù người mẹ không đành lòng, người con gái vẫn phải từ biệt lần nữa, đi về đô thị : không lý ngồi nhìn nhau chết đói trong làng ?
Hy vọng nào cho một tương lai chưa thấy ánh sáng …
Nơi tôi ở có một làng, người dân như không quen nói ra nỗi khó khăn của mình, nhất là đối với những người lâu lâu mới ghé vô làng. Một ngày đầu năm học, tôi hỏi một em đã học xong lớp 9, một câu hỏi chiếu lệ:
-          Đi học hay nghỉ ?
-          Nghỉ rồi.
-          Không muốn học nữa à ?             Nơi đây phải ra khỏi núi, đến trường cấp 3 hơn 20 Km đường đèo núi. Không có người quen hay tiền thuê nhà trọ học thì ở nhà chăn bò thôi!
-          Muốn, nhưng nhà nghèo không có tiền đóng học.
-          Nếu có tiền thì đi học không ?
-          Có.           Nét mặt rạng rỡ lên.
-          Vậy mai mang giấy tờ lên trường ngay. Khai giảng một tuần rồi.
Tôi hy vọng có một ngày, thế hệ trẻ có học đó sẽ dám đứng lên khuấy động nước hồ bình lặng như những ngày gío bão. Hy vọng có một ngày gió bão đó phá đổ bức tường rêu đóng kín dân làng nơi hoang vắng. Hy vọng đó không ngồi vẽ trên giấy, mà cần kiên trì vượt mọi rào cản để thực hiện : tôi thực hiện, bạn thực hiện, dân làng thực hiện.
Nơi tôi ở có một làng, khi biết có bàn tay khác hỗ trợ một số học sinh đang mong vượt số phận, thì sổ liên lạc không được phê duyệt, điểm thi cũng phải … chờ. Thầy cô ở xa, về nghỉ, các em vẫn chờ. Không kịp mang điểm đúng hẹn thì .. ráng! Ráng sống theo chính sách. Ráng cầm cự không nổi thì lại …về đi chăn bò, cuốc đất với dân làng. Nước hồ nơi đây vẫn bình lặng từ bao thuở !
Nơi tôi ở có một làng bên lưng chừng núi, một làng dưới chân núi, một làng đang “đô thị hóa”. Họ giống nhau trong cuộc sống bình lặng, làng nào biết làng đó. Nhà cửa, xe cộ đông thêm. Người ta nói họ ở thị trấn, hết nghèo rồi ! Còn họ vẫn sống như một hòn đảo, cuốc đất, chăn bò khó khăn hơn, ngày càng xa lạ với sự thay đổi mỗi ngày ở xung quanh. Chữ viết như xa lạ với dân làng. Điểm học con cái lại càng là khái niệm khó hiểu. Học chung với người Kinh, có đầy đủ điểm, giấy báo, còn mình thì … không ! Cũng không ai thắc mắc, ý kiến. Có lẽ vì chính sách ưu đãi dân tộc, không phải mua sách hay đóng học phí (đóng phí … khác thôi!) thì không phát điểm cũng … đúng thôi!
Tôi hy vọng có một ngày, kiến thức nơi thế hệ trẻ sẽ khơi dậy niềm tự hào dân tộc. Niềm tự hào đã nối tiếp cuộc sống của cha ông với núi rừng này cả ngàn năm qua. Tôi hy vọng họ sẽ vươn lên đến thế giới khắp năm châu, hãnh hiện lên tiếng thực hiện ước vọng thầm kín của dân làng. Tôi hy vọng sẽ có một ngày họ hãnh diện ngẩng đầu , chân vững bước hòa nhập vào nhịp sống thay đổi mổi ngày. Hy vọng sẽ vươn lên đó, bắt đầu bằng vòng tay của bạn, của tôi và của dân làng nơi tôi đang ở!


[1] Là người Kinh làm việc ở xã, hoặc đôi khi là người Jrai trình độ … còn hạn chế!

No comments:

Post a Comment